Lúng Túng Tính Thuế Đất Cho Người Dân

Lúng Túng Tính Thuế Đất Cho Người Dân

Lúng Túng Tính Thuế Đất Cho Người Dân

Cho rằng tiền sử dụng đất của mình bị tính sai và tăng quá cao, một số trường hợp người dân tại TP.HCM đã gửi đơn khiếu nại ngành thuế.

Người dân khiếu nại

Mới đây, bà Phạm Thị Quyển (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã có đơn kiến nghị gửi HĐND, UBND TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM... khiếu nại về việc tính tiền sử dụng đất (TSDĐ) của Chi cục Thuế Q.Tân Phú.

Theo đó, bà Quyển là người sử dụng thửa đất diện tích 58,8 m² (tại P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú) và có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất (CMĐSDĐ) nên đã nộp hồ sơ vào ngày 31.7 tại bộ phận một cửa của UBND Q.Tân Phú. Đến ngày 9.8, UBND Q.Tân Phú ký quyết định đồng ý; ngày 21.10, Chi cục Thuế Q.Tân Phú ban hành thông báo về lệ phí trước bạ và TSDĐ là hơn 661 triệu đồng. TSDĐ được Chi cục Thuế Q.Tân Phú tính theo giá đất trong Quyết định 02/2020 nhân với hệ số K là 2,5 lần theo Quyết định 56/2023 mà không xem xét hạn mức đất ở. Điều này theo bà Quyển là trái quy định luật Đất đai 2024, Nghị định số 103/2024 và hiểu sai nội dung Công văn số 5635 ngày 21.9 của UBND TP.HCM cho phép các chi cục thuế sử dụng bảng giá đất nhân với hệ số K để giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trong giai đoạn từ ngày 1.8 cho đến khi ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020.

"Trường hợp của tôi tính theo Quyết định 02/2020 và Quyết định 56 thì TSDĐ chỉ hơn 258 triệu đồng. Do vậy, tôi đề nghị các cấp cần giám sát và có ý kiến chỉ đạo Chi cục Thuế Q.Tân Phú xem xét tính lại TSDĐ cho đúng quy định", bà Quyển nêu ý kiến.

 

Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường ghi nhận được việc bất nhất trong quá trình triển khai của cơ quan thuế theo Quyết định 79. Cụ thể, cơ quan thuế chỉ sử dụng 3 điều trong Quyết định 79, còn 2 điều không thực hiện mà thực hiện theo cách hiểu riêng của ngành thuế... Từ đó dẫn đến việc nhiều người dân khiếu nại, khiếu kiện vì bị tính TSDĐ sai, bị đội lên quá cao so với cách tính theo Quyết định 02 và Quyết định 56.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường

 

 

Tương tự bà Quyển, ông Nguyễn Quang Vinh ở H.Hóc Môn mới đây đã có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng về việc tính sai TSDĐ khu đất của ông khi CMĐSDĐ. Theo đơn khiếu nại, ngày 18.9, ông Vinh được UBND H.Hóc Môn ra quyết định cho phép CMĐSDĐ từ đất trồng cây lâu năm lên đất ở nông thôn cho lô đất 212,2 m². Đến ngày 29.10, ông nhận thông báo thuế với tổng số TSDĐ hơn 172 triệu đồng. Để ra số tiền trên, Chi cục Thuế khu vực Q.12 - H.Hóc Môn cho rằng vị trí thửa đất của ông là ở vị trí 1 trong bảng giá đất theo Quyết định 02/2020. Giá đất của loại đất trước khi CMĐSDĐ là 696.000 đồng/m². Giá đất của loại đất sau khi CMĐSDĐ là 1,5 triệu đồng/m². 

Tuy nhiên theo ông Vinh, hồ sơ của ông được sử dụng cách tính TSDĐ từ trước ngày 1.8.2024. Theo đó, giá đất trồng cây lâu năm tại vị trí thửa đất ông xin chuyển mục đích là 360.000 đồng/m² và giá đất ở nông thôn trong bảng giá đất H.Hóc Môn theo Quyết định 02/2020 là 520.000 đồng/m², hệ số K là 2,5 lần. Theo Nghị định 103/2024 quy định cách tính TSDĐ, thì TSDĐ bằng giá loại đất sau khi CMĐSDĐ trừ giá loại đất trước khi CMĐSDĐ nhân với diện tích đất. Tức số tiền ông đóng chỉ gần 85 triệu đồng.

Dù đã đóng TSDĐ và lấy sổ đỏ về để xử lý công việc, nhưng cho rằng số TSDĐ mà Chi cục Thuế khu vực Q.12 - H.Hóc Môn tính sai, tính quá cao nên ông Vinh đã khiếu nại đến các cơ quan chức năng.

Một trường hợp khác là ông Sơn (Q.12) cũng đang khiếu nại Chi cục Thuế khu vực Q.12 - H.Hóc Môn vì cho rằng đã tính TSDĐ cho ông bị sai và số tiền chênh lệch quá lớn. Nếu tính theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP, khi ông CMĐSDĐ cho khu đất 58,9 m² thì chỉ phải đóng hơn 104 triệu đồng. Thế nhưng số tiền ngành thuế yêu cầu ông phải đóng lên đến hơn 323 triệu đồng. "Đây một con số quá lớn so với khả năng của tôi. Trong khi tôi hiện không có nhà ở, đang ở nhà thuê, không sở hữu bất kỳ đất đai nhà cửa nào khác, hạn mức đất ở theo quy định ở TP.HCM hiện đang là 160 m²/người áp dụng cho Q.12. Tôi chỉ chuyển mục đích 58,9 m², dưới 160 m² hạn mức đất ở nên tôi không thuộc nhóm bị điều chỉnh bởi hệ số K", ông Sơn đặt vấn đề.

Cần nhất quán trong triển khai chính sách

Theo TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, sở dĩ có tình trạng như trên bởi giữa UBND TP.HCM và Cục Thuế TP có sự vênh nhau về cách hiểu, cách thực hiện, cách áp dụng. Điều này đã dẫn đến việc ngành thuế tính sai TSDĐ cho người dân khi cùng áp dụng Quyết định 02, Quyết định 56 nhưng lại giữ hệ số K và bỏ hạn mức. Trong khi Quyết định 56 đã quy định rất rõ, đối với đất trong hạn mức, TSDĐ tính theo giá đất trong bảng giá đất của Quyết định 02. Đối với đất ngoài hạn mức thì áp dụng hệ số K. Trong đó hệ số K được áp dụng cho mỗi khu vực sẽ khác nhau, từ 2,5 - 2,9 lần.

Chưa kể Quyết định 79/2024 của UBND TP.HCM cũng đã nêu rõ: Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng đất trước thời điểm Quyết định 79 có hiệu lực thi hành, giá đất để tính nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai được tiếp tục thực hiện theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ. Đồng nghĩa với việc những hồ sơ nhà đất của người dân, trong đó có hồ sơ CMĐSDĐ nộp trước ngày 31.10 khi Quyết định 79 có hiệu lực, sẽ được tính tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, cũng là thời điểm người dân nộp hồ sơ hợp lệ.

"Quyết định 79 quy định các điều khoản rất cụ thể, rõ ràng trong quá trình chỉ đạo và điều hành những chính sách mới về luật Đất đai 2024. Tuy nhiên, hiện Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường ghi nhận được việc bất nhất trong quá trình triển khai của cơ quan thuế theo Quyết định 79. Cụ thể, cơ quan thuế chỉ sử dụng 3 điều trong Quyết định 79, còn 2 điều không thực hiện mà thực hiện theo cách hiểu riêng của ngành thuế. Căn cứ công văn chỉ đạo của Cục Thuế TP.HCM, các chi cục thuế tính TSDĐ cho người dân bằng cách vẫn giữ hệ số K, nhưng lại bỏ hạn mức. Thời điểm tính TSDĐ, tiền thuê đất đối với hồ sơ CMĐSDĐ, thuê đất cũng không đúng với tinh thần của Quyết định 79 mà áp dụng theo luật Đất đai 2024. Từ đó dẫn đến việc nhiều người dân bức xúc vì cho rằng bị tính TSDĐ sai, bị đội lên quá cao so với cách tính theo Quyết định 02 và Quyết định 56", TS Phạm Viết Thuận cho hay.

Do đó, với tinh thần trách nhiệm của cơ quan phản biện chính sách và tính nhất quán trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là tổ chức cải cách hành chính liên thông một cửa tại các quận, huyện và hướng tới một cửa liên thông toàn TP khi tiếp nhận hồ sơ của người dân, TS Phạm Viết Thuận và Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM thực hiện nghiêm túc các điều khoản theo Quyết định 79 và thời hiệu điều khoản chuyển tiếp tại điều 3 và tổ chức thực hiện tại điều 5 của Quyết định 79; đồng thời kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện và Cục Thuế TP.HCM thực hiện nhất quán các quyết định đã ban hành trong quá trình triển khai luật Đất đai 2024. Trường hợp có vướng mắc trong quá trình triển khai thì xin ý kiến chỉ đạo để điều chỉnh cho phù hợp, tránh bất nhất trong chính sách về giải quyết hồ sơ một cửa liên thông về tính thuế cho người dân theo Quyết định 79.

 

Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường ghi nhận được việc bất nhất trong quá trình triển khai của cơ quan thuế theo Quyết định 79. Cụ thể, cơ quan thuế chỉ sử dụng 3 điều trong Quyết định 79, còn 2 điều không thực hiện mà thực hiện theo cách hiểu riêng của ngành thuế... Từ đó dẫn đến việc nhiều người dân bức xúc vì cho rằng bị tính TSDĐ sai, bị đội lên quá cao so với cách tính theo Quyết định 02 và Quyết định 56.

Luật sư Hoàng Thu (Đoàn luật sư TP.HCM)

 

Theo ​Thanhnien

 
Người viết : nhavietnam