Gần 4 năm di dời được 657 căn nhà
Trong số hơn 48.000 căn nhà trên và ven sông, rạch có 9 dự án đã và đang triển khai thực hiện di dời, giải tỏa để chỉnh trang đô thị (đã bồi thường, giải phóng mặt bằng 1.149 căn, đang tiếp tục thực hiện 243 căn). Hiện còn khoảng 46.452 căn nhà trên và ven sông, kênh rạch tại thành phố chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, những năm qua chính quyền thành phố đã nhiều lần đưa kế hoạch di dời nhà trên và ven sông, rạch vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM qua các thời kỳ. Đây là một trong các mục tiêu, chương trình trọng điểm của thành phố. Nhưng thực tế công tác di dời nhà trên và ven sông, rạch tại TP.HCM nhiều năm qua vẫn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến kết quả không như mong đợi. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 mục tiêu phải di dời, giải tỏa 20.000 căn nhà để chỉnh trang đô thị, nhưng kết quả chỉ được 2.479 căn, đạt tỷ lệ 12,4% so với chỉ tiêu đề ra và chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách.
Đến năm 2021, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị cho giai đoạn 2021 - 2025 là bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch. Tuy nhiên, đến quý 2/2023, tức là gần hết chặng đường nhưng kết quả chỉ đạt con số 657/6.500 căn.
Lý giải nguyên nhân về kết quả đạt được rất hạn chế này, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng các dự án di dời nhà trên và ven sông, rạch không được chọn là dự án cấp bách, ưu tiên của thành phố khi so với các dự án hạ tầng, công ích khác và cũng gặp trở ngại về nguồn vốn. Một khó khăn khác là chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa thỏa đáng nên người dân không đồng ý di dời. Trong khi đó, đa số nhà trên, ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM không đủ điều kiện để bồi thường mà chỉ được hỗ trợ di dời. Số tiền này người dân không đủ để tạo lập nơi ở mới.
Trước những vướng mắc trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất trình UBND TP.HCM thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án nêu trên do Chủ tịch UBND TP.HCM làm Trưởng ban, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường làm Phó trưởng ban. Các thành viên của Ban và Tổ công tác được lập ra gồm lãnh đạo nhiều sở, ngành, địa phương, đơn vị tư vấn. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 2 lần/tháng và Tổ công tác hoạt động thường xuyên. Trước ngày 25.11, bộ máy này phải được định hình.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM khẩn trương xây dựng kế hoạch điều tra xã hội học cho toàn bộ 46.452 nhà trên và ven sông, rạch. Kế hoạch được trình Ban Chỉ đạo xây dựng đề án và Tổ công tác xem xét, cho ý kiến trước ngày 30.11 để bảo đảm tiến độ bắt đầu thực hiện điều tra xã hội học từ ngày 2.12 và kết thúc công tác điều tra xã hội học, xử lý thông tin dữ liệu, báo cáo kết quả cho Ban Chỉ đạo xây dựng đề án trước ngày 30.12.
Di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, rạch
Một lãnh đạo UBND Q.8 cho biết, quận 8 là địa bàn được thành phố thực hiện đề án thí điểm di dời đối với nhà đất trên và ven sông, kênh, rạch trên toàn địa bàn. Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao quận lên đề án để triển khai, trong đó phải nêu rõ tổng mức chi, tổng nguồn thu, quỹ đất dự kiến đưa vào khai thác phát triển kinh tế sau giải tỏa… Hiện chính quyền đang hoàn chỉnh kế hoạch gửi UBND TP trước 30.11. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm của quận trong nhiệm kỳ này để thực hiện được lời hứa và sự kỳ vọng của người dân.
"Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường, nhất là tuyến Kênh Đôi đã lên kế hoạch thực hiện nhiều năm nay nhưng chưa làm được. Chính vì vậy, lần này quận 8 và thành phố quyết tâm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra", vị này cho hay.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, các trường hợp xây dựng nhà trong phạm vi sông, ngòi, kênh, rạch không có giấy tờ hợp lệ, đa phần là chiếm dụng sẽ không đủ điều kiện bồi thường về đất ở, nhưng được nhà nước hỗ trợ về nhà ở theo quy định của luật Đất đai 2024.
Nhưng không phải tất cả đều là đối tượng và đủ điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo quy định của luật Nhà ở 2024 (đối tượng không phải hộ gia đình nghèo, cận nghèo; người thu nhập thấp tại khu vực đô thị).
Do đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương giao Sở Xây dựng phối hợp với các sở ngành, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức nghiên cứu, tham mưu UBND TP đề án, để thực hiện mục tiêu di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, rạch trên địa bàn.
Đồng thời thành phố cần giao Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM chủ trì, phối hợp các sở ngành, UBND các địa phương có kênh rạch trên địa bàn thực hiện công tác điều tra xã hội học, thống kê các số liệu liên quan nhà ven kênh rạch. Qua đó có ý kiến góp ý đối với chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân sống trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố và các nội dung khác có liên quan.
Theo thanhnien